«
»

Nhà hàng & Khách sạn SenPlazaThị trấn Yên Thành - Huyện Yên Thành - Tỉnh Nghệ An

 
CẨM NANG > ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NGHỆ AN
Print - Views: 735
Đình Đỉnh Lữ
Tin đăng ngày:22/4/2013 - Xem: 735
 

Đình Đỉnh Lữ nằm ở xã Tân Lộc huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Đình Đỉnh Lữ nằm cách trung tâm huyện Can Lộc 8 km về phía Đông. Từ thành phố Vinh đi vào theo quốc lộ 1A đến thị trấn Nghèn, đi về  phía Đông 10 km là đến di tích. Đình nằm ngoài bìa làng ở phía Tây Nam xã Tân Lộc, phía Bắc giáp làng Kim Anh, phía Tây giáp làng Thụ Lộc, phía Đông giáp xã Bình Lộc.

Đình gồm 12 công trình lớn nhỏ. Phía trước đình là hồ sen hình bán nguyệt, có hai tượng con voi nằm ở cửa, tiếp đến là cửa tam quan, trước cửa tam quan là tắc môn hình bán nguyệt có đề niên hiệu, ở giữa là ngôi đình chính. Phía Tây là giếng nước và nhà kho dùng nấu cỗ, hai nhà vọng nằm hai bên đối diện 2 trục đình. Hai tượng quan văn và quan võ đứng hai bên được xây bằng đá. Giữa hai bức tượng theo hướng trục chính là nhà lồng luyện, cuối cùng là nhà Thượng điện và nhà dong. Toàn bộ di tích phía Tây và phía Bắc được bao thành lũy bằng đất cao 1m dài 60m…Do sự tàn phá của chiến tranh và thời gian di tích đã bị hư hỏng nhiều. Hiện nay di tích chỉ còn: nhà thượng điện gồm 5 gian, dài 8m rộng 4m, mái hình vòm lợp ngói vảy, trang trí hình rồng phượng; hai tượng quan văn quan võ và nhà lồng luyện nơi thắp hương thờ tự được xây theo hình vòm bốn bên có bốn hình rồng chầu. Kiến trúc đình rất đơn giản, được xây dựng theo hình thức đối xứng các bức chạm trổ chưa có tính đặc trưng, nguyên liệu chính là gỗ và gạch ngói thủ công.

Đình Đỉnh Lữ được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII để thờ Nguyễn Xí - một vị tướng giỏi của Lê Lợi. Từ khi hoàn thành đến nay, đình Đỉnh Lữ trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Hàng năm cứ vào trung tuần tháng Giêng và ngày 20 tháng 5 (âm lịch) nhân dân lại tổ chức tế lễ và các hoạt động văn hóa như đốt pháo, chơi cờ, hội vật… 

Làng Tân Lộc chuyên canh nông nghiệp nhưng ruộng đất bạc màu, hàng năm thường bị mất mùa do lũ lụt, hạn hán. Tuy nghèo khổ nhưng nhân dân ở đây luôn mang trong mình truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, lòng tự tôn dân tộc và tinh thần hiếu học. Từ khi có các tổ chức yêu nước ra đời, truyền thống tốt đẹp ấy được nảy nở ở Tân Lộc. Trong thời gian tổ chức Tân Việt phát triển mạnh ở Hà Tĩnh, đội ngũ thanh niên trí thức yêu nước trong làng đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu có: Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Kỳ, Hoàng Liên, Phan Gần, Mai Cát, Mai Đỉnh, Nguyễn Cứ, Nguyễn Cường, Nguyễn Thân…

Sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, những thanh niên này đã bí mật nhóm họp ở đình làng và tuyên bố ly khai Tân Việt. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Thiều (quê ở Anh Sơn, Nghệ An)- Bí thư Tỉnh bộ Lâm thời Hà Tĩnh, chi bộ Đỉnh Lữ được ra đời. Chi bộ gồm 5 đồng chí: Mai Cát, Nguyễn Cứ, Hoàng Khoái Lạc, Mai Đỉnh và Phan Gần. Đồng chí Hoàng Khoái Lạc được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Thực hiện Nghị quyết của Chi bộ, trong buổi lễ Khai Hạ đồng chí Nguyễn Cứ đã đưa yêu sách cho địa chủ đòi chia lại ruộng công điền, công thổ cho nông dân nhưng không được chấp nhận. Đến sáng ngày 20 tháng 5 năm Canh Ngọ, khi bọn hào lý đang tế lễ tại đình, Chi bộ lãnh đạo trên 1000 nông dân Đỉnh Lữ đã kéo đến bao vây đình làng. 3 đại biểu nông dân là Mai Thuật, Nguyễn Kỳ và Lưu Ngung đã thay mặt nhân dân đứng lên đòi bọn hào lý phải trả lại số ruộng công điền công thổ cho dân. Sau 3 giờ, lý trưởng Nguyễn Trực buộc phải ký nhận vào bản yêu sách và sai Mai Ký mang sổ điền ra trả cho dân 36 mẫu. Sau đó quần chúng còn bắt hào lý phải nộp sổ sách, giấy tờ và con dấu cho thôn bộ nông hội, từ đó nông hội đã đứng ra quản lý và điều hành mọi công việc trong làng.

Đình làng Đỉnh Lữ được chọn làm nơi làm việc của chính quyền Xô Viết năm 1930. Ngay sau khi ra đời các Xã bộ nông đã ban hành những chính sách thiết thực như: 

Về chính trị: Nông hội thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Mọi người đều được quyền tham gia công tác trong thôn xã, hưởng mọi quyền lợi của làng xã. Nam nữ bình đẳng trong mọi công việc, như tự do luyến ái, tự do xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong khi thực hiện các quyền dân chủ với dân, nhiều phần tử phản cách mạng bị trừng trị. Tự vệ được phát triển mạnh, có huấn luyện, trang bị vũ khí để làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn trật tự; các vụ xích mích trong thôn xóm được hòa giải một cách êm đẹp.

Về kinh tế: các làng Xô viết đã thu lại cho nông dân hàng ngàn mẫu ruộng đất công bị bọn địa chủ cường hào bao chiếm trái phép. Nông hội còn đòi lại hàng nghìn tạ thóc, hàng vạn đồng bạc quỹ chia cho dân nghèo. Phong trào đòi giảm tô, xóa nợ, tăng tiền công, giảm giờ làm việc thu được nhiều kết quả. Một số nợ công ích bị bãi bỏ, nợ lãi tư nhân bị giảm xuống một nửa. Nhiều khoản thuế bị tuyên bố xóa bỏ. Nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất chống đói. Phong trào đào mương, đắp đập chống lụt, chống hạn được phát động. Nhiều đập nước được đào đắp từ thời bấy giờ đến nay vẫn còn như: Khố Nội, Thượng Hà…Ở một số nơi đã xuất hiện lối làm ăn tập thể: nhân dân đem số ruộng công mới lấy lại được góp làm của chung, cùng nhau cày cấy, thu hoạch rồi phân phối theo ngày công, có trích quỹ công ích, quỹ tích lũy để cứu trợ người nghèo, giúp tự vệ luyện tập. Có nơi đã lập phường cày, cấy, phường lợp nhà để giúp nhau.

Về văn hóa – xã hội: các Xô viết tổ chức bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, cầu cúng, bói toán, rước xách, tế lễ; cấm hút thuốc phiện, nấu rượu, đánh bạc; giáo dục và trừng trị trộm cắp, lưu manh; bỏ tục lệ nặng nề trong tổ chức ma chay cưới hỏi. Hội phụ nữ có nhóm “hộ sản” giúp nhau sinh đẻ. Việc học chữ quốc ngữ phát triển mạnh, các thôn xóm đều có lớp học với hàng trăm người tham gia. Đình Đỉnh Lữ là nơi học chữ quốc ngữ của nhân dân lúc bấy giờ.

Tháng 8 năm Canh Ngọ (1930), dưới sự lãnh đạo của Tổng ủy, trên 1000 quần chúng trong các làng ở Tổng Phù Lưu đã tập trung tại đình Đỉnh Lữ làm lễ tang đồng chí Hồ Ngọc Tàng - cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ bị địch phục kích và bắn chết tại làng. Đám tang đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng quần chúng ở Can Lộc.

Trước kia xung quanh đình cây cối rậm rạp, có nhiều huyền thoại thần linh nên ngoài ngày lễ ít ai qua lại. Đây là cơ sở thuận lợi để các đồng chí cán bộ hoạt động bí mật trong thời kỳ địch khủng bố.Từ ngôi đình này nhiều tài liệu, tuyền đơn của đảng đã đến từng thôn xóm vận động nhân dân đấu tranh kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga (7/11) và Quảng Châu Công xã (12/12) năm 1930.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình làng Đình Lữ đã trở thành biểu tượng của truyền thống cách mạng oanh liệt, là niềm tự hào to lớn của nhân dân Can Lộc. Ngày nay đình trở thành nhà truyền thống của xã. Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, năm 1988 đình Đỉnh Lữ đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử cách mạng Quốc gia.

 
VIDEO CLIPS
HÌNH ẢNH NHÀ HÀNG
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Kinh doanh - 0982.077.868

Hội nghị - Cưới hỏi - 0383.63.68.68

Đặt phòng - 0966 731 977
Today: 43
Hit counter: 424,768
 
Công ty TNHH Thương mại Phương Đông Điệp Tiến
Địa chỉ: Khối 1 - Thị trấn Yên Thành - Huyện Yên Thành - Nghệ An
Điện thoại: 02383.63.68.68 - Hotline: 0966.731.977
Email: [email protected] - Website: http://senplaza.com

0966.731.977